LỊCH SỬ HÌNH THÀNH THƯƠNG HIỆU VALENTINO
1₫
Với lịch sử hơn 50 năm phát triển, Valentino ngày nay là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực thời trang may sẵn cao cấp. Cha đẻ của thương hiệu Valentino Valentino Garavani sinh ngày 11 tháng 5 năm 1932 ở Voghera, Lombardy phía Bắc nước Ý. Đam mê...
Với lịch sử hơn 50 năm phát triển, Valentino ngày nay là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực thời trang may sẵn cao cấp.
Cha đẻ của thương hiệu Valentino
Valentino Garavani sinh ngày 11 tháng 5 năm 1932 ở Voghera, Lombardy phía Bắc nước Ý. Đam mê thời trang của ông được nhen nhóm ngay khi còn rất nhỏ. Bất chấp sự cười nhạo của bạn bè cùng chăng lứa khi ông không tham gia các trò chơi vui đùa cùng bạn bè, ông học nghề thiết kế từ một nhà thiết kế địa phương Ernestina Salvadeo – dì của nghệ sĩ Aldo Giorgini. Vào năm 1949, ở tuổi 17 Valentino chuyển đến Paris để theo đuổi đam mê thời trang với sự giúp đỡ và ủng hộ của mẹ là bà Teresa de Biaggi và cha – ông Mauro Garavani.
Sự lựa chọn đầu tiên của ông tại Paris là theo học ngành thiết kế tại École nationale supérieure des Beaux-Arts, một trong những trường nghệ thuật nổi tiếng nhất tại Pháp. Valentino không ngại tìm tòi, học hỏi từ những đàn anh đi trước như Jacques Fath, Balenciaga. Ông từng cộng tác với Jean Desses. Tại Jean Desses, ngoài việc trưng bày hàng hóa, chào đón và tư vấn cho khách, Valentino say sưa với việc phác họa ý tưởng. Ông nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của nữ bá tước Jacqueline de Ribes, khách hàng thân thiết của Jean Desses và được bà nhờ lên ý tưởng và phác họa những bộ váy dạ hội mới. Tuy nhiên, đa số những bản thảo đầu tiên này của ông đều đã bị mất. Sau 5 năm gắn bó, Valentino chia tay Jean Desses. Rời Jean Desses, Valentino đến làm việc tại hiệu may “siêu nhỏ” của người bạn đồng môn một thuở, Guy Laroche.
Rời Paris trở về Ý năm 1959 và mở một cửa hiệu may – thiết kế thời trang hệt như một “Maison de Couture” (nhà may thời trang xa hoa bậc nhất) với tất cả vẻ đẹp và sự sáng tạo mà ông đã học được từ Paris. Ông bắt đầu được mọi người chú ý khi cho ra mắt các mẫu váy đỏ mà ngày nay đã tạo nên hiệu ứng cho thương hiệu riêng “Red Valentino” trong ngành công nghiệp thời trang.
Khi số vốn mà cha cả Valentino hỗ trợ ông dần cạn kiệt, việc kinh doanh tưởng chừng sắp hưng thịnh của Valentino gần đứng bên bờ vực thẳm. Trong hoàn cảnh đó, ngày 31/07/1960, Valentino gặp Giancarlo Giammetti tại Café de Paris trên đường Via Veneto, thành phố Rome. Cuộc gặp gỡ định mệnh như là tiền đề cho một tình bạn, đối tác lâu dài bắt đầu. Không chút ngần ngại, Giammetti quyết định rời trường đại học để trở thành cộng sự, hỗ trợ kinh doanh cho Valentino. Khi Giammetti xuất hiện, hoàn cảnh kinh doanh của xưởng may Valentino thật sự không nổi bật và lúc đó Giammetti đã dùng rất nhiều tiền của gia đình vực dậy công việc kinh doanh và chống lại việc công ty bị phá sản của Valentino.
Những bước đột phá của Valentino
Năm 1962 tại Florence – kinh đô thời trang Ý, show diễn đầu tiên của Valentino tại cung điện Pitti được chào đón như một sự kiện thật huy hoàng. Sau đó ông nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khách hàng nước ngoài và những ý kiến ủng hộ nhiệt tình trên báo chí.
Tháng 09/1964, tại buổi hòa nhạc từ thiện ở khách sạn Waldorf-Astoria, New York, Valentino lại giới thiệu bộ sưu tập mới. Những mẫu thiết kế trang nhã của collection này rất được Phu nhân tổng thống Mỹ Jacqueline Kennedy Onassis yêu thích. Bà quyết định đặt 6 bộ đầm trong hai tông màu trắng và đen để mặc chúng trong suốt thời gian để tang cho chồng, tổng thống John F. Kennedy qua đời sau vụ ám sát. Và trong lễ cưới thứ hai với tỷ phú người Hy Lạp Aristotle Onassis, Jacqueline cũng đã mặc chiếc váy cưới trắng tinh do Valentino thiết kế riêng cho bà. Không chỉ Jacqueline Kennedy Onassis mà bà hoàng Begum Aga Khan, Farah Diba, Lee Radziwill, Nữ hoàng Paola của Bỉ, Babe Paley, Elizabeth Taylor, Audrey Hepburn, Gloria Guinness, Marella Agnelli, Jayne Wrightsman, Marisa Berenson, Veruschka và công chúa Margaret… lần lượt trở thành những khách hàng đồng thời là bạn bè thân thiết của Valentino.
Năm 1966 Valentino mạnh dạn tổ chức tiếp show trình diễn ở Rome. Ông gặt hái được thành công tuyệt vời với bộ sưu tập mang phong cách “toàn trắng”. Bộ sưu tập này trở nên nổi tiếng cùng logo chữ “V” độc đáo do chính Valentino thiết kế. Năm 1967, Valentino nhận giải thưởng Thời trang Neiman Marcus, tương đương giải Oscar trong lĩnh vực thời trang.
Suốt những năm 1970, Valentino đã trải qua những khoảng thời gian đáng nhớ tại thành phố New York, nơi mà sự có mặt của ông đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt tình của những người thuộc tầng lớp thượng lưu.
Ngày 06/06/2006, đích thân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã trao tặng Chevalier de la Légion d’honneur – Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho Valentino. Quả thật không ngoa khi người trong và ngoài giới thời trang ca tụng Valentino là “ông hoàng thời trang của nước Ý”.
Những giám đốc sáng tạo mới
Năm 1998, Valentino Garavani tiếp cận Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli và mời họ về để sáng tạo ra dòng phụ kiện cao cấp.
Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli từng hoàn thành khóa đào tạo thiết kế thời trang tại Istituto Europeo di Design ở Rome. Maria Grazia và Pierpaolo gặp nhau tại Fendi, nơi họ làm việc trong khoảng mười năm trước khi gặp Valentino. Trong suốt thời gian này, họ đã tạo dựng được nền tảng sáng tạo trong thế giới thời trang cũng như xây dựng được một cách thức làm việc chuyên nghiệp và chặt chẽ. Họ đã đi ngược lại các xu hướng tối giản trong những năm đó và hướng đến phong cách tinh tế riêng biệt. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo những túi xách nổi tiếng nhất của Fendi.
Chiuri và Piccioli đã chấp nhận thách thức mới và sự thay đổi để làm việc lâu dài với Valentino. Họ đã thiết kế hàng loạt phụ kiện với sự quyến rũ đặc biệt, sang trọng và tinh tế trong từng chi tiết. Những phụ kiện dù là ban ngày hay buổi tối, luôn thể hiện sự thanh lịch của phong cách thời trang đẳng cấp Valentino. Từ túi xách, giày dép, đồ trang sức, khăn choàng, va li, thắt lưng và kính mắt… đều có thể kết hợp với trang phục rất hoàn hảo.
Ngày 04/09/2007, Valentino thông báo cho mọi người rằng sẽ chính thức lùi hẳn vào hậu trường kể từ tháng 1 năm 2008, sau khi show diễn cuối cùng Haute Couture tại bảo tàng Musée Paris kết thúc. Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo của dòng phụ kiện. Sự thành công của phong cách tươi mới và độc đáo của bộ đôi ăn ý này tiếp tục được củng cố và đến tháng 10/2008 họ được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo chính cho toàn bộ thương hiệu Valentino.
Những dòng thời trang chính của Valentino:
Valentino Haute Couture cung cấp các bộ sưu tập hàng may mặc được làm bằng tay với chất lượng uy tín tại Rome. Một nhóm thợ thủ công lâu đời gồm bốn mươi nghệ nhân với tay nghề truyền thống làm nên những sản phẩm độc đáo này.
Valentino Ready – to – wear là dòng sản phẩm độc quyền rất tinh tế và độc đáo, trẻ trung, thanh lịch dành cho nam và nữ.
Valentino Garavani là dòng phụ kiện như túi xách, giày, da, thắt lưng và đồ trang sức… Các chi tiết sáng tạo tinh tế được thực hiện hoàn toàn bằng tay.
Red Valentino là một thương hiệu có bản sắc riêng biệt, như một câu chuyện cổ tích hiện đại, với những trang phục mang phong cách lãng mạn, trẻ trung.
Ngoài ra, Valentino còn cung cấp nước hoa, đồng hồ, kính mắt và các mặt hàng tơ tằm cao cấp.
Đặc trưng trong các thiết kế của Valentino
Đỉnh cao của Haute Couture nằm ở tính thủ công trong từng chi tiết nhỏ nhất. Phần gấu váy trong tất cả các thiết kế của Valentino đều được may bằng tay. Điều này được lí giải rằng thủ công sẽ tạo nên tính chính xác của trang phục theo ý muốn của nhà thiết kế. Đồng thời mỗi bộ cánh sẽ mang tới trải nghiệm duy nhất bởi không có hai bông hoa và hình thêu nào giống y nhau như dệt máy.
Ngay từ khi mới bắt đầu, Valentino luôn trung thành với vẻ đẹp của sự quyến rũ. Những thiết kế của ông luôn vừa vặn với mọi khung người với tôn chỉ tôn vinh đường cong cơ thể quyến rũ của người phụ nữ. Trong những năm qua, Valentino vẫn luôn tìm cách phát triển các chiến dịch của mình thật theo cách đặc biệt, những người mẫu đại diện cho thương hiệu mang tên ông thường là các người mẫu nổi tiếng thế giới. Hiện nay trên khắp các thảm đỏ danh giá hay những sự kiện quan trọng chúng ta đều thấy được các thiết kế của Valentino như một điều tất yếu.
Bảo tàng Valentino
Năm 2011 Valentino Garavani đã cùng với Giancarlo Giammetti giới thiệu bảo tàng thời trang ảo với định dạng 3D. Tất cả các mẫu váy áo trong bảo tàng đều đi kèm theo nó một câu chuyện dài từ những bản phác thảo, minh họa, các chiến dịch quảng cáo và những bài viết về chúng. Hơn 300 mẫu váy áo được dựng 3D với các hình ảnh cụ thể cho từng chi tiết. Trả lời phỏng vấn của Reuters, Valentino nói rằng ông và bạn làm ăn Giammetti tự bỏ tiền ra để thực hiện dự án bảo tàng này mà không có sự trợ giúp về tài chính của bất kỳ ai. Hai ông hy vọng sẽ mở rộng và giữ vững các hoạt động của bảo tàng ảo này với sự trợ giúp của Google.
Những mốc chính trong sự nghiệp của Valentino:
– 1959: Hoàn thành khoá học thời trang, thành lập một xưởng may tại Rome
– 1960: Hợp tác với Giancarlo Giammetti thành lập thương hiệu House of Valentino
– 1962: Bộ sưu tập đầu tiên giới thiệu tại Palazzo Pitti, Florence với những thành công đầu tiên.
– 1968: Valentino gây chú ý với “Collezione Bianca”, bộ sưu tập lần đầu có logo “V”.
– 1969: Mở cơ sở tại Milan.
– 1970: Giới thiệu những bộ sưu tập mặc sẵn nhân khai trương các chi nhánh tại Rome và New York.
– 1971: Ra mắt cửa hàng bán đồ cho nam giới đầu tiên tại Via Condotti.
– 1975: Show thời trang đầu tiên tại Paris
– 1976: Mở chi nhánh tại Tokyo
– 1978: Ra mắt nước hoa nhãn hiệu Valentino tại gala thời trang trên đại lộ Champs Elysees (Pháp).
– 1982: Xuất bản cuốn “Valentino” giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông tại bảo tàng Metropolitan (New York, Mỹ).
– 1984: Valentino kỷ niệm 25 năm hoạt động trong ngành thời trang và nhận giải thưởng danh dự từ Bộ trưởng công nghiệp Ý.
– 1989: Show thời trang đầu tiên tại Paris.
– 1991: Kỷ niệm 30 năm nhãn hiệu Valantino với khẩu hiệu: “Valentino: Thirsty Years of Magic” (30 năm kỷ diệu).
– 1992: Tổ chức show thời trang tại New York và Bắc Kinh.
– 1994: Giới thiệu những thiết kế cho dạ hội đầu tiên tại nhà hát Eisenhower (trung tâm John Fitzgerald Kennedy, Washington, Mỹ) với chủ đề: “The Dream of Valentino” – Giấc mơ của Valentino.
– 1995: Valentino trở lại Ý với bộ sưu tập kỷ niệm 30 năm ông ra mắt tại Palazzo Pitti.
– 2007: Kỷ niệm 45 năm của Valentino tại Rome.
– 2008: Valentino tổ chức chương trình Haute-Couture mới nhất và nghỉ hưu hẳn. Ông giao lại quyền cho hai giám đốc sáng tạo mới