LỊCH SỬ HÌNH THÀNH THƯƠNG HIỆU BOTTEGA VENETA
1₫
Thời trang là lãnh địa của cái đẹp. Nó không đi theo một quy tắc hay chuẩn mực chung chung nào. Ở đó, để tồn tại và tạo được dấu ấn, bạn phải thay đổi, phải khác biệt, thậm chí phải "sốc" một chút. Giữa thế giới thời trang phù hoa...
Thời trang là lãnh địa của cái đẹp. Nó không đi theo một quy tắc hay chuẩn mực chung chung nào. Ở đó, để tồn tại và tạo được dấu ấn, bạn phải thay đổi, phải khác biệt, thậm chí phải "sốc" một chút.
Giữa thế giới thời trang phù hoa lộng lẫy ấy, Bottega Veneta xuất hiện một cách bình thản và từ từ xây dựng đế chế dành riêng cho những thiết kế đồ da tinh xảo. Nếu ví Chanel như cô nàng lộng lẫy, tươi trẻ, đầy sức sống thì Bottega Veneta chẳng khác nào quý cô ở cái tuổi đẹp mặn mà, đằm thắm mà không phô trương.
Bottega Veneta cứ lặng lẽ nằm trong top các thương hiệu có doanh thu cao nhất của Tập đoàn Kering (cùng Gucci và Saint Laurent). Năm 2017, thương hiệu đạt doanh thu 1,176 tỷ euro; lợi nhuận đạt 294 triệu euro với 3.381 nhân viên cùng khoảng 270 cửa hàng khắp thế giới.
Xưởng thủ công vùng Veneto, Italy
Kỹ thuật đan Intrecciato tinh xảo, kỳ công.
Xưởng thủ công tập hợp những người thợ lành nghề.
Ra đời năm 1966 tại Veneto - Italy, Bottega Veneta do hai thợ thủ công là Michele Taddei và Renzo Zengiaro sáng lập, nhằm tạo ra những sản phẩm đồ da tinh xảo. Tên gọi của thương hiệu mang ý nghĩa là xưởng thủ công vùng Veneto. Nhà mốt lúc này cũng là nơi tập trung nhiều nghệ nhân chuyên nghiệp của Italy.
Với việc kế thừa kỹ thuật chế tác da thủ công lâu đời, đứng đầu thế giới, các nghệ nhân đã biến Bottega trở thành cửa hàng kinh doanh phụ kiện đồ da xa xỉ thu hút nhất nhì ở vùng Veneto thời bấy giờ. Nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của những người có nhu cầu tìm mua các món đồ da xa xỉ.
Cabat - Mẫu túi biểu trưng của Bottega Veneta.
Cũng giống như các thương hiệu khác, Bottega Veneta ra đời có tên, có logo, có thiết kế tiêu biểu, có kỹ thuật bí mật đầy tinh tế. Năm 1979, hãng quảng bá slogan "When your own initials are enough" (tạm dịch: khi chỉ cần viết tắt tên của bạn là đủ) với hàm ý sản phẩm của thương hiệu phản ánh đẳng cấp người sở hữu. Tay nghề thủ công điêu luyện cùng kỹ thuật tinh xảo giúp những chiếc túi da của Bottega Veneta "lọt vào mắt xanh" của đông đảo tầng lớp thượng lưu tại Italy.
Cuối những năm 70, Michele Taddei và Renzo Zengiaro lần lượt dứt bỏ "đứa con đầu lòng" để phát triển hướng đi mới cho bản thân. Thương hiệu tiếp tục hoạt động nhưng có dấu hiệu đi xuống và dần bước chân vào đống tro tàn sau thời kỳ bùng cháy. Bottega Veneta lúc bấy giờ không tạo được sự khác biệt giữa những tên tuổi lâu đời như Chanel, Prada, Hermès...
Khi sự sáng tạo đi ngược lại mọi nguyên tắc
Tháng 2/2001, Tập đoàn Kering mua lại Bottega Veneta, đồng thời bổ nhiệm Tomas Maier vào vị trí Giám đốc sáng tạo vào tháng 6 cùng năm. Từ đây, thương hiệu được Tomas Maier vực dậy từ đống tro tàn.
Sau khi tiếp nhận, ông đưa ra quyết định gây "sốc" là cho logo của nhà mốt "nghỉ hưu" để dồn trọng tâm vào kỹ thuật đan da Intrecciato đặc trưng.
Tomas Maier
Khách hàng của chúng tôi là những người am hiểu về phong cách của chính mình. Và họ không muốn mang tên người khác trên đồ dùng của họ.
Tomas Maier
Sẽ là lớn chuyện nếu quyết định này của Tomas Maier khiến Bottega Veneta đi vào ngõ cụt, nhưng không… nó thậm chí còn khởi xướng cho trào lưu "no logo" trên toàn thế giới.
Điều này đồng nghĩa với việc, Bottega Veneta là dành riêng cho từng cá nhân, là sự hiện diện của phong cách và đẳng cấp mỗi người. Nó không đại diện cho một thương hiệu thời trang nào cả, nó là để phục vụ cái đẹp và chủ nhân.
Sinh ra trên vùng đất Veneto, miền Đông Bắc Italy - nơi có truyền thống thủ công nổi tiếng thế giới, đây là điều kiện để Tomas Maier tạo nên những sáng tạo mới. Với những tín đồ của thương hiệu, thay vì nhìn vào logo hào nhoáng, họ chỉ cần để ý đến các thiết kế là nhận ra "con cưng" nhà Bottega.
Intrecciato được xem là thông điệp bí mật giúp những người trong giới thượng lưu nhận ra nhau. Đây là kỹ thuật đan những dải da mảnh (fettuccia) vào một mảng da lớn để tạo độ cứng cáp và bền bỉ cho bề mặt chất liệu. Kỹ thuật này được Tomas Maier phát triển thành thứ ngôn ngữ riêng và là nền tảng để ông bắt đầu cuộc chấn hưng thương hiệu.
Nhắc đến Bottega Veneta, sẽ thật thiếu sót nếu bạn không biết Knot - nút thắt huyền thoại của thương hiệu. Chiếc ví cầm tay này là ao ước của bất kỳ cô gái nào trong những buổi tiệc hay sự kiện sang trọng.
Không đơn thuần là món phụ kiện, những chiếc clutch cầm tay với chi tiết khóa hình nút thắt còn ghi công khi mang trong mình sứ mệnh vực dậy danh tiếng của một trong những nhà mốt chế tác đồ da đỉnh cao của Italy. Qua mỗi mùa, thiết kế này lại được biến tấu thành một phiên bản mới, tạo sự mới lạ cho những tín đồ thời trang mà vẫn giữ được nét truyền thống, đặc trưng vốn có của thương hiệu.
Xuất phát từ ý nghĩa của tên gọi Knot - nút thắt, giám đốc sáng tạo Tomas Maier và cộng sự khéo léo tôn vinh kỹ thuật đan Intrecciato huyền thoại của Bottega Veneta bằng ngôn ngữ thiết kế giàu tính hình tượng qua chi tiết khóa hình nút thắt xoắn chặt vào nhau. Nếu Intrecciato là khởi đầu cho cuộc cách mạng của Bottega Veneta thì dưới thời Tomas Maier, những chiếc clutch Knot mới thực sự khiến thương hiệu này trở thành huyền thoại.
Không logo biểu tượng, không chiêu trò marketing, Bottega Veneta vẫn nghiễm nhiên bước chân vào lãnh địa của những sản phẩm dành cho giới siêu giàu.
Sự chuyển mình của đế chế thời trang Italy giữa thời đại công nghệ
Suốt những năm tháng qua, tuy luôn trung thành với 4 giá trị cốt lõi: chế tác công phu, nguyên liệu thượng hạng, thiết kế tối giản tinh tế vượt thời gian và công năng hữu dụng trong chế tác các sản phẩm nhưng Bottega Veneta vẫn không quên đổi mới hình ảnh.
Với sự nhạy bén sắc sảo hiếm có, Giám đốc Marketing - Lisa Pomerantz đã trở thành cặp bài trùng với Tomas Maier. Thấu hiểu các giá trị của thương hiệu đồng thời nắm rõ những thay đổi của thời đại, Lisa Pomerantz đã cho ra đời một “Bottega Veneta 2.0” đầy phá cách và gần gũi với nhịp sống hiện đại.
Về cơ bản chúng ta đang đi vào thời đại Bottega Veneta 2.0, một chu kỳ tiếp theo của thương hiệu phi thường này
Lisa Pomerantz
Không phải là một buổi trình diễn thời trang hay những hình ảnh quảng cáo sang trọng, thương hiệu giới thiệu nó theo một cách rất khác, rất thời đại và công nghệ. Với tên gọi Reflections (Sự phản chiếu), chiến dịch xuân hè 2018 là một chuỗi hình ảnh động. Lần lượt 6 phim quảng cáo ngắn ra đời, nhưng nó không phải là một clip quảng cáo kiểu truyền thống mà là cách thể hiện ý tưởng đậm chất điện ảnh và khác biệt, mỗi tập phim tập trung vào những cá tính khác nhau với cách kể chuyện bao hàm các sắc thái của bộ sưu tập và khái quát những trụ cột của thương hiệu: Bí ẩn, Tinh tế, Kiến trúc, Gợi cảm và Siêu thực.
Các phim ngắn này được ra mắt lần lượt trên nền tảng đa phương tiện. Với sự chỉ đạo của đạo diễn Pháp Fabien Baron, bậc thầy sáng tạo trong nghệ thuật quảng cáo thời trang và hàng xa xỉ. Ê kíp làm phim cũng tập hợp những nghệ sĩ nổi bật cùng dàn người mẫu cá tính để đem lại cái nhìn khác biệt về sự kết hợp giữa điện ảnh và thời trang.
Trong phim "Miraggio" (Ảo vọng), tiếng rền rĩ của còi ôtô, khung cảnh khói lửa, những chuyển động bí ẩn trên đường phố của một con phố hoang vắng, bối cảnh siêu thực đặt ra một câu hỏi về ranh giới giữa giấc mơ và hiện thực.
Phim "196.6 MHz" lấy năm ra đời của Bottega Veneta (1966) để thể hiện một tần số radio trong khoảnh khắc kỳ diệu khi một thương hiệu kết nối với thế giới, và đặt ra câu hỏi về tần số kết nối giữa hai người.
"Utopia" (Không tưởng) là một giao lộ trong màn sương khói hồng, nơi diễn ra một khoảnh khắc mơ màng nhưng đầy khát khao khi hai người đi ngang qua nhau trên phố...
Cùng với việc giới thiệu phim ngắn thời trang, Bottega Veneta còn cho thấy sự khác biệt khi tổ chức show diễn lần này tại tòa nhà của sàn chứng khoán Mỹ tại New York chứ không phải ở một nhà hát sang trọng thông thường.
Nhà thiết kế sân khấu nổi tiếng Scott Pask đã biến sàn diễn thành một căn hộ đẳng cấp, trong đó những bức tường, trần và sàn có hiệu ứng bê tông theo trường phái kiến trúc thô mộc, chỉ có nội thất chọn lọc tối giản nhưng sang trọng.
Với việc lên ý tưởng và tổ chức show diễn này, Bottega Veneta muốn nhấn mạnh rằng: những thiết kế sang trọng của thương hiệu phù hợp với cuộc sống và con người ở New York cũng như sự khác biệt của đế chế nhà Bottega Veneta trong giới thời trang xa xỉ.
Bottega Veneta đã tạo nên sự bứt phá trong ngành quảng cáo thời trang với loạt phim ngắn và hình ảnh động mang đầy tính điện ảnh để giới thiệu bộ sưu tập mới. Không chỉ thay đổi thói quen nghe nhìn giữa thời đại truyền thông số, ở đó, mỗi món đồ da của Bottega Veneta còn rất gần với một tác phẩm nghệ thuật.
Với sự kiêu hãnh của một thương hiệu chế tác đồ da lựa chọn con đường riêng, thương hiệu là tuyên ngôn về sự độc lập và bản lĩnh của những người sở hữu món đồ xa xỉ mang tên Bottega Veneta.